Điều chỉnh kích thước chữ
Báo chí và công tác tuyên truyền về Dân tộc - Tôn giáo:

Bài 2: PGS.TS Chu Văn Tuấn: Không đưa vấn đề tiêu cực của tôn giáo để giật tít, câu view

(CLO) Tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây mất ổn định chính trị- xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền về tôn giáo cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. NB&CL có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Văn Tuấn- Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo để làm rõ hơn vấn đề này.

Bài liên quan

+ Những năm gần đây, các cơ quan báo chí thường xuyên có các tin, bài về tôn giáo và chính sách, pháp luật tôn giáo. Xin ông đánh giá về kết quả hoạt động tuyên truyền trên báo chí về tôn giáo thời gian qua?

- PGS.TS Chu Văn Tuấn: Tôi cho rằng, những năm qua, việc thông tin, tuyên truyền về công tác tôn giáo trên báo chí được đẩy mạnh, triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 1

PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Trong đó phải kể đến việc thông tin trên các báo khá đầy đủ, kịp thời về những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Báo chí cũng đưa tin rất đầy đủ trong quá trình Nhà nước ta đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ví dụ như việc xây dựng, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hoá các chủ trương, chính sách về tôn giáo; việc công nhận tư cách pháp nhân cho các tổ chức tôn giáo; việc cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; việc cấp đất cho các tổ chức tôn giáo; giải quyết vấn đề liên quan đến xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự của các tôn giáo, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo...

Có thể nói mảng chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và việc tổ chức thực thi chính sách này, báo chí đã phản ánh hết sức kịp thời, đầy đủ và đạt hiệu quả tuyên truyền rõ ràng.

Bên cạnh đó, các hoạt động lớn của các tôn giáo ví dụ như Đại lễ Vesak của Phật giáo, lễ Giáng sinh của Công giáo, các hội nghị, đại hội của Hội thánh Tin Lành, lễ hội Diêu trì Kim Mẫu của đạo Cao Đài hay các sự kiện, ngày lễ hoặc các hoạt động tiêu biểu của các tôn giáo… đã được báo chí thông tin rất kịp thời.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 2

Hội Thánh Tin Lành TP Đà Nẵng trao tặng 600 suất quà cho những người nghèo, người lao động tự do bị thất nghiệp bởi dịch bệnh COVID-19

Báo chí cũng thông tin khá đầy đủ, kịp thời về những đóng góp của các tôn giáo. Ví dụ các tôn giáo tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động, hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp vào công tác phòng chống đại dịch COVID-19...

Đặc biệt, báo chí cũng đưa tin kịp thời, đầy đủ về các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo; những biểu hiện lệch lạc, phản cảm trong hoạt động tôn giáo. Chẳng hạn như vụ việc ở Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2008, hay vụ việc một số giáo dân ở Giáo xứ Mỹ Yên (Nghệ An) gây rối, chống đối chính quyền địa phương, vụ việc  "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng... Ngoài ra, những câu chuyện về mê tín dị đoan, trục lợi, tiêu cực ở một số lễ hội tín ngưỡng tôn giáo đầu xuân… cũng được báo chí đề cập, đấu tranh, phản ánh rất kịp thời.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 3

Các tình nguyện viên Phật giáo lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, tháng 9/2021

Tôi cho rằng, đây là một đóng góp quan trọng của báo chí, bởi các cơ quan truyền thông đã không né tránh, không giấu thông tin mà trái lại, đưa tin khách quan, kịp thời và khá đầy đủ, qua đó, xã hội hiểu hơn về bản chất của những vụ việc này, hạn chế rất nhiều việc các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc.

+ Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều hạn chế, bất cập. Vậy những hạn chế, bất cập đó là gì và những vấn đề mà báo chí cần rút kinh nghiệm trong công tác này?

- PGS.TS Chu Văn Tuấn: Mặc dù công tác tuyên truyền về tôn giáo thời gian qua đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận; tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, công tác này còn một số hạn chế, bất cập thậm chí là sai sót.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 4

Bà con Công giáo giáo xứ Hy Vọng huyện Cần Giờ, TP HCM quét dọn vệ sinh con đường mới bê tông hóa, bảo vệ môi trường sống

Đó là việc báo chí mới chỉ thiên về đưa tin những vấn đề mang tính thời sự, những việc đang diễn ra chứ chưa có nhiều những tin bài để người dân hiểu về tôn giáo. Ít có những tin bài đi sâu vào những vấn đề căn bản của tôn giáo như văn hóa của tôn giáo, những giá trị tốt đẹp của tôn giáo, lý giải về giáo lý của tôn giáo...

Do đó, hiện nay hiểu biết của người dân về tôn giáo còn nhiều hạn chế, người ta chỉ hiểu “lơ mơ” về tôn giáo; không những thế, việc một số người hoàn toàn không biết gì về một tôn giáo nào đó không phải là hiếm. Rất nhiều người dân hoàn toàn không có thông tin về xuất xứ, giáo lý, giáo luật của tôn giáo cũng như tôn giáo đó có vai trò gì, đóng góp gì… Đây là điều thường xảy ra với những tôn giáo nhỏ.

Một hai năm gần đây, do có Đề án “Hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông làm cơ quan chủ trì, thì một số cơ quan báo chí mới có các chuyên trang, chuyên mục, có hệ thống các tin bài về dân tộc, tôn giáo. Còn trước đó, hầu như không có các chuyên trang, chuyên mục này. Theo tôi đây là mảng báo chí còn thiếu, còn yếu và ít được lãnh đạo các cơ quan báo chí chú trọng.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 5

Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa thánh Tây Ninh diễn ra vào rằm tháng Tám hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của đạo Cao Đài

Ngoài ra, báo chí cũng thường tập trung vào những vấn đề tôn giáo mà dư luận quan tâm, chưa tập trung đi sâu phản ánh về những đóng góp của các tôn giáo. Mặc dù gần đây mảng này đã được chú ý hơn nhưng nhìn chung vẫn còn ít.

Thực tế là các tôn giáo và tín đồ các tôn giáo đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với việc bảo tồn văn hóa, nâng cao đạo đức cá nhân và xã hội, đóng góp vào công tác an sinh, bảo trợ xã hội, đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần tham gia đóng góp vào hoạt động giáo dục mầm non, dạy nghề… Những đóng góp này của tôn giáo, của giáo dân, báo chí mới chỉ phản ánh, đưa tin được những hoạt động lớn mà thôi, chưa xứng tầm những hoạt động thực tế của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Một bất cập khác là báo chí thường “ưu ái” những tôn giáo lớn với lượng tin bài tập trung nhiều hơn. Đành rằng tôn giáo lớn thì có nhiều hoạt động nhưng thực tế là có những tôn giáo ít khi được thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Một ví dụ nhỏ: Ở Việt Nam hiện nay có 16 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo được công nhận. Thế nhưng, ít người nắm rõ được những thông tin rất cơ bản này. Sự thiên lệch nói trên của báo chí được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một bộ phận người dân thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của một vài tôn giáo trong xã hội.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 6

Cán bộ Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cùng Linh mục Giuse Bùi Thanh Minh (Toà Giám mục Giáo phận Long Xuyên) trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng COVID-19

Đáng chú ý là trong đội ngũ phóng viên và cả BTV ở các báo, khá nhiều người chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo. Điều này dẫn đến việc nhiều phóng viên đưa tin về tôn giáo chưa chính xác.

Không có thống kê, nhưng chắc chắn có nhiều phóng viên, BTV còn hiểu “lơ mơ” về những khái niệm cơ bản trong tôn giáo, về những điều cấm kỵ trong tôn giáo. Do đó, đã xảy ra những sai sót, chẳng hạn như việc có phóng viên “vội vàng” gọi một tổ chức tôn giáo mới là “tà đạo” trong khi chưa xác định rõ bản chất tổ chức đó là gì.

Một thực trạng nữa là có không ít phóng viên chưa chú ý đến tính nhạy cảm tôn giáo, điều này rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng.

Tôi nói ví dụ, vừa rồi có chuyện ông Nguyễn Ngọc Triệu vi phạm pháp luật, bị cơ quan điều tra bắt giam nhưng báo chí lại đưa tin “Thượng tọa Thích Đồng Huệ bị bắt”. Viết như vậy là thiếu nhạy cảm và rất dễ bị lợi dụng vì thực tế là, trước khi bị bắt, ông Thích Đồng Huệ đã bị Giáo hội Phật giáo xử lý, không còn là chức sắc tôn giáo nữa. Bản chất sự việc ở đây là một công dân vi phạm pháp luật bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, chứ không phải là một chức sắc tôn giáo bị xử lý vì lý do tôn giáo.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 7

Thượng tọa Thích Nhật Thanh, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện Cái Bè trao tặng tiền ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn Bà Đuân, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Cũng có tình trạng báo chí đưa tin về một vài hiện tượng vi phạm đơn lẻ nhưng cách viết lại khiến dư luận xã hội hiểu theo nghĩa tiêu cực về cả một tôn giáo. Theo tôi, báo chí cần phải hết sức rạch ròi bởi đây là việc một vài “con sâu bỏ rầu nồi canh” chứ không phải tất cả tôn giáo đều tiêu cực như vậy; không phải giáo lý, giáo luật của tôn giáo đó cổ súy cho hành vi tiêu cực này.

Mặc dù có một số hạn chế như tôi đã nói nhưng rất mừng là chúng ta chưa để xảy ra tình trạng báo chí đưa tin sai về tôn giáo đến mức dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Trên thế giới đã từng xảy ra những vụ khủng hoảng truyền thông liên quan đến tôn giáo, như vụ tranh biếm họa về Thượng đế Allah của một tạp chí Pháp, từ đó đã thổi bùng ngọn lửa tức giận của cộng đồng người Islam giáo và hậu quả để lại hết sức nặng nề, bi thảm.

+ Vậy theo ông, để công tác tuyên truyền về tôn giáo có hiệu quả hơn, báo chí và các cơ quan liên quan cần làm gì?

- PGS.TS Chu Văn Tuấn: Theo tôi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là người làm báo về tôn giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, PV, BTV mới hiểu được về chính sách, pháp luật về tôn giáo.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án hỗ trợ thông tin, truyền thông về dân tộc, tôn giáo - điều này đã có tác động rất tích cực. Bên cạnh việc số lượng tin bài về tôn giáo tăng lên rõ rệt thì PV, BTV cũng được tham gia tập huấn về công tác này, do đó chất lượng tin bài cũng được nâng lên, những hạn chế đã bước đầu được khắc phục, sai sót được giảm thiểu.

bai 2 pgsts chu van tuan khong dua van de tieu cuc cua ton giao de giat tit cau view hinh 8

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại tòa nhà trung tâm nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019

Về cụ thể, điều lưu ý mà tôi muốn nhấn mạnh là người làm báo phải hết sức chú trọng đến những điều kiêng kỵ, cấm kỵ của tôn giáo. Khi xây dựng một chương trình, một chuyên trang về tôn giáo, tốt nhất là báo chí cần tham khảo ý kiến các chuyên gia để tránh sai sót.

Khi viết bài về các tôn giáo, cần tránh khơi gợi, nhắc lại những câu chuyện nhạy cảm của tôn giáo trong lịch sử; việc sử dụng từ ngữ cũng cần cân nhắc kỹ càng, đảm bảo chính xác các tên gọi, thuật ngữ trong tôn giáo. Báo chí phải tuyệt đối tránh việc kỳ thị, xúc phạm tôn giáo, không đánh giá đúng sai về giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Đặc biệt, cần hết sức tránh việc đưa vấn đề tiêu cực của tôn giáo để giật tít, câu view.

Ngoài ra, báo chí cũng cần tăng cường đưa tin về những đóng góp của các tôn giáo trên các mặt của đời sống xã hội; chú ý hơn đến các tôn giáo nhỏ, đưa tin đầy đủ, không thiên lệch giữa các tôn giáo, chú ý hơn đến các giá trị của tôn giáo.

+ Xin cảm ơn ông!

T.Toàn (Thực hiện)

Bình Luận
 
 
Tin mới
Bắt một giám đốc điện lực tại Bắc Kạn

(CLO) Cơ quan An ninh điều tra (PA09) Công an tỉnh Bắc Kạn thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hoàng Thanh Bình, sinh năm 1977, trú tại tổ 8B, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn.

Trùm lừa đảo tiền số Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù

(CLO) Ngày 28/3, Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX - bị kết án 25 năm tù vì tội lừa đảo 8 tỷ USD từ khách hàng của FTX.

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

KEIDANREN và các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên.

Thêm nút giao cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sắp được đưa vào khai thác

(CLO) Thông tin từ Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long), nút giao Đồng Thắng trên tuyến sẽ hoàn thành các hạng mục trước ngày 31/3.

TP HCM giới thiệu 400 món ăn đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước

(CLO) Lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2024 nhằm mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch TP HCM và phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 29/3/2024, Bắc Bộ mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to, khu Tây Bắc có nơi có nắng nóng.

Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

(CLO) Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu tràn xuống nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện giông lốc, mưa đá ngày 28/3. Hàng trăm ngôi nhà của người dân đã bị sập, tốc mái.

Ngắm nhìn mô tô điện Wmoto Stash

(CLO) Thương hiệu Wmoto tới từ Đài Loan, mới đây đã trình làng thị trường mẫu ô tô điện mang tên Stash. Xe gây ấn tưởng bởi thiết kế thể thao mạnh mẽ, đi kèm mức giá 6299 bảng - khoảng 197 triệu đồng khi quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá hiện tại.